Chắc chắn rằng không ai mong muốn xảy ra tranh chấp khi XD nhà.
1. Làm sao để không xảy ra tranh chấp:
Tranh chấp xảy ra từ đâu:
– Không rõ ràng trong các nội dung thỏa thuận, dẫn đến cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề.
– Các bên không có thiện chí cùng nhau bàn bạc, thảo luận khi xảy ra vấn đề.
– Một bên (gặp khó khăn gì đấy, hoặc không rõ nguyên nhân) cố tình không thực hiện cam kết dù biết là sai hợp đồng.
Phương án
Giao kết hợp đồng rõ ràng, minh bạch tối đa là cách thức tốt nhất. Tất cả các thỏa thuận giao kết nên thể hiện trên văn bản.
Kỹ năng soạn thảo để nội dung được rõ ràng, rành mạch, cùng có cách hiểu như nhau là vấn đề khó, thường các chủ nhà sẽ gặp bối rối. Bởi vì đa số chủ nhà là người giỏi giang, thành đạt (mới có tiền làm nhà) nhưng hiểu biết về chuyên môn XD là hạn chế, đa số lần đầu “đóng vai” chủ đầu tư công trình nên gần như không có kinh nghiệm.
Do vậy quý chủ nhà nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bên chuyên gia, đơn vị tư vấn.
Trong trường hợp xảy ra vấn đề, các bên cần hiểu rằng cách tốt nhất là đàm phán, thỏa thuận để xử lý. Căng thẳng trong xử lý thường dẫn đến các hậu quả mà các bên không mong muốn và công trình không đạt dược chất lượng, tiến độ.
Trong trường hợp một bên cố tình không thực hiện thì cũng nên tự đàm phán, nhờ bên thứ ba khác giúp đỡ. Trường hợp cuối cùng mới chọn giải pháp kiện ra tòa án.
2. Giải quyết tranh chấp
Cơ chế giải quyết tranh chấp văn minh nhất trong xây dựng nhà là tòa án. (Bên cạnh trọng tài kinh tế thì ít phổ biến, nhất là các hợp đồng không lớn như xây nhà ở gia đình và nhờ “anh em xã hội”.
Tuy nhiên giải quyết bằng tòa án là cách thức cực kì tốn thời gian công sức, thủ tục hành chính rất phức tạp, tốn tiền. “Vô phúc đáo tụng đình” là câu nói của các cha ông vẫn luôn đúng tận hôm nay, dù quá trình cải cách tư pháp đã tiến bộ nhiều.
Với tranh chấp xây dựng nhà, tòa án cấp Quận / huyện nơi công trình XD sẽ là tòa án giải quyết. Quy trình gồm: Một bên gửi đơn khởi kiện dân sự > Tòa án xem xét thụ lý > Tòa án thu thập chứng cứ > Tòa án tiến hành hòa giải tại tòa > Nếu không thành thì đưa ra xét xử sơ thẩm. Quá trình này đều cần đến sự hỗ trợ của Luật sư cũng tốn một khoản chi phí. Thực tế là đến 99% bên thua kiện sẽ kháng cáo để đưa tiếp vụ kiện ra tòa cấp Tỉnh / Thành phố để xử, quy trình lặp lại như vậy. Thời gian hai bước trên kéo dài nhiều năm.
Chưa hết, kể cả khi tòa án cấp Tỉnh, TP xử phúc thẩm, sau 15 ngày bản án sẽ có hiệu lực (đa số bên thua sẽ không tự nguyện thi hành) thì tòa sẽ chuyển vụ án sang cơ quan Thi hành án dân sự, để tiến hành thi hành án. Đây cũng là bước đi đầy gian nan, phức tạp và nhiều khi là vô vọng để thực hiện thi hành án, bên bị xử thua đền bù thiệt hại cho bên được xử thắng kiện.
***
Cho nên việc lựa chọn nhà thầu tốt, hồ sơ giao kết được rõ ràng, khoa học là tiền đề quan trọng để tránh xảy ra tranh chấp. Quý gia chủ nên chuẩn bị tốt ngay từ giai đoạn này, nên có sự hỗ trợ của các chuyên gia, đơn vị tư vấn để đạt kết quả tốt nhất.