Bản vẽ hoàn công là khái niệm khá khó hiểu trừ những người làm nghề xây dựng.
Tiếng Anh của khái niệm này là As-Built Drawings, dịch thô sơ là “Bản vẽ như thực tế đã thi công”.
Tại sao lại cần có nó? Nó khác gì bản vẽ thiết kế? Ai cũng đều biết rằng có bản vẽ thiết rồi nhưng thực tế thi công vì có thể vài lý do (ví dụ nghĩ ra phương án nào đó tốt hơn, vướng mắc hoặc xung đột với phần khác,..) nên thực tế thi công có thể khác đi so với thiết kết. Đó là lúc cần ghi lại trong bản vẽ hoàn công thực tế thi công khác thiết kế đó.
Tập bản vẽ hoàn công sẽ là:
(1) Là tập bản vẽ thiết kế ban đầu, nếu quá trình thi công không thay đổi gì.
(2) Là tập bản vẽ thiết kế ban đầu chỉ giữ lại phần không thay đổi. Các phần có thay đổi thì đính kèm bản vẽ thay đổi đó. Hai phần không thay đổi và có thay đổi (tất nhiên là loại bỏ các bản vẽ thiết kế mà thực tế thi công khác đi) kết hợp thành tập bản vẽ hoàn công.
Nếu xảy ra trường hợp cần thay đổi như (2) thì quy trình thế nào? Quy trình là:
– Phát hiện ra vấn đề cần thay đổi (từ một trong các bên).
– Họp các bên thiết kế, thi công, chủ nhà, giám sát để bàn phương án thay đổi. Phương án thay đổi đó được vẽ chi tiết ra bản vẽ (chuyên môn gọi là bản vẽ shop drawing) để các bên thống nhất rồi thi công the bản vẽ mới này.
– Và sau khi thi công hoàn thành thì chính phần shop drawing (là thực tế thi công), sẽ trở thành bản vẽ hoàn công.
Với quy mô nhà ở gia đình thì bản vẽ hoàn công cần chi tiết mức nào?
– Các bản vẽ thiết kế kết cấu: Vẽ chi tiết các cấu kiện ra sao, thép bên trong thế nào, bê tông mác bao nhiêu, tường xây ra sao, kết cấu thép thế nào, loại gì, dày bao nhiêu….Từ móng đến mái
– Các bản vẽ kiến trúc: Phần xây tô ,trát, phần ốp lát, phần cửa gỗ, phần các chi tiết trang trí, phần cầu thang,…. được vẽ chi tiết để thợ làm theo.
– Phần điện, nước: Vẽ chi tiết riêng rẽ điện, nước. Từ sơ đồ mạng lưới, sử dụng vật tư, phần trục chính và phân nhánh ra sao, từng nhánh sử dụng thế nào, vật tư gì, van vòi lắp chỗ nào, thông số chi tiết rõ ràng….
Thực tế là trong quá trình sử dụng thì phần bản vẽ kết cấu và kiến trúc có thể không quá quan trọng nhưng phần điện nước rất quan trọng. Người sử dụng biết bức tường nào có đường dây điện, có đường nước, vị trí cụ thể chỗ nào sẽ tránh việc vô ý đục phải khi sử dụng, mai sau cần đến sửa chữa bổ sung thì mở ra xem rất hữu ích. Phần cấp và thoát nước cũng tương tự, chỗ nào đặt bơm, bể nước ngầm, bể máo thể tích bao nhiêu, van vòi chỗ nào; bể phốt (hầm cầu) dung tích bao nhiêu, mấy ngăn, nắp mở để hút cạn ở chỗ nào,… đều là các thông tin rất quan trọng và hữu ích trong quá trình sử dụng.
Tập hồ sơ bản vẽ hoàn công phải được nhà thầu lập ra (khi không có sự khác biệt với thiết kế thì dùng bản vẽ thiết kế), có sự xác nhận của giám sát.
– Tập bản vẽ hoàn công phải đạt độ chính xác và chi tiết.
– Tập hồ sơ phải in trên giấy tốt, chủ nhà nên lưu giữ cẩn thận.
Một ngôi nhà có tập bản vẽ hoàn công cũng nói nên rằng nó được xây dựng rất cẩn thận, khoa học nên nếu khi có nhu cầu giao dịch mua bán, thế chấp, cho thuê,… thì đối tác cũng sẽ nhìn nhận và đánh giá cao.
Chú ý:
Khác với tập bản vẽ hoàn công như mô tả trên, khái niệm Hoàn công sau khi XD xong để đi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) trong đó phần hoàn công có ý nghĩa Nhà nước ghi nhận tài sản trên đất đã được xây dựng ra sao, vị trí, kích thước thế nào. Nội dung hoàn công này rất đơn giản, chỉ là một số mặt bằng các tầng xây dựng + lời mô tả đơn giản, có thể thêm mặt đứng, mặt cắt nữa nhưng thường không cần.
Việc hoàn công để xin cấp sổ hồng thì việc đo vẽ do Phòng đăng ký đất đa cấp quận, huyện thực hiện dựa trên hồ sơ công dân nộp, có thể họ sẽ đến kiểm tra đo đạc lại trên thực địa.