Phòng bếp là không gian quan trọng của mọi gia đình.
Kể cả trong quan niệm dân gian truyền thống, với truyền thuyết “ông Táo” trông nom nội trợ, giám sát các hoạt động của gia đình cũng nói nên rằng căn bếp có vai trò rất quan trọng. Các thuyết phong thủy cũng rất quan tâm và đặt ra nhiều nội dung cần đạt được với một căn bếp.
Trong phạm vi này, chúng tôi chỉ để cập đến các tiêu chí để đánh giá một khu bếp là tốt dưới góc độ khoa học và vật lý kiến trúc; xin không bàn đến góc nhìn phong thủy, tín ngưỡng dân gian:
1. Thông gió và chiếu sáng
Tốt nhất là khu bếp phải được thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Khu bếp vốn là không gian ẩm, lại là nơi phát sinh ra các khói, hơi nấu nướng bốc lên nên mang nhiều chất hữu cơ trong không khí, có thể đọng bám vào các không gian xung quanh như bề mặt tường, tủ bếp, đồ vật. Nên có ánh sáng tự nhiên thì sẽ có tác dụng diệt khuẩn rất tốt. Thông gió thì giúp cho lượng khói, hơi nước bốc ra thoát đi nhanh hơn, khói, hơi nước có dầu mỡ bám ít bay lơ lửng rồi dính vào tường, trần lâu dần làm mờ và ố màu sơn, thậm chí gây ra mùi khó chịu. Với ánh sáng tốt và thông gió tốt, người nấu ăn có điều kiện để nấu ăn chuẩn vị hơn, đỡ bay mùi sang các khu vực khác trong nhà.
2. Mặt bằng nhà bếp
Mặt bằng nhà bếp rất quan trọng. Trong khu bếp có ba vị trí quan trọng là Tủ lạnh, Chậu rửa và bếp nấu. Ba khu vực này được sắp xếp theo nguyên tắc “dây truyền”. Thực phẩm từ trong tủ lạnh ra, qua khu rửa, cắt, thái rồi chuyển sang nấu. Sau khi hoàn thành nấu thì chuyển sang bàn ăn hoặc bàn đảo (nếu có) là khu vực trung gian trước khi chuyển ra bàn ăn. Ba vị trí này có thể theo vị trí nối tiếp nhưng thường là bố trí theo dạng tam giác để gọn gàng khu bếp hơn và đỡ công đi lại.

Các không gian bề mặt khác của căn bếp cho các mục đích như để nồi cơm điện, để lò vi sóng, để nồi chiên không dầu, để thực phẩm chờ nấu,…cũng cần được bố trí cho hợp lý, vừa đủ quy mô của gia đình
3. An toàn trong nấu bếp:
Tuy không tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng an toàn trong khu bếp cũng cần được tính toán. Về dây dẫn điện phải tính đủ và có dự phòng cho các thiết bị điện trong bếp vốn tiêu thụ rất nhiều điệu (bếp nấu, tủ lạnh, lò vi sóng, nồi chiên không dầu, máy xay, máy trộn bột,….). Các vật dụng có thể bén lửa cần để xa khu bếp. Sàn bếp là khu vực có thể dễ bị ướt do đó nên sử dụng lát gạch chống trơn, có thể sàn gỗ trải thảm. Các nguy cơ về bỏng / phỏng nước, hơi từ các thiết bị xì ra với các em bé cũng cần được cân nhắc.
4. Chọn vật liệu khu bếp
Do khu vực có độ ẩm cao và có chứa hạt nước có thành phần hữu cơ nên cần chọn vật liệu khu bếp đảm bảo bền, tốt, bề mặt nhẵn, chống nấm mốc, chống han gỉ,…

5. Thiết kế theo nhân trắc học người VN
Khi thiết kế khu bếp cần tính toán nhân trắc học của chủ nhân căn bếp và các thành viên gia đình, của người VN. Đừng vì các thông tin như số đo thước Lỗ Ban mà làm các chiều cao, khoảng cách khác xa quá sẽ gây bất tiện trong sử dụng. Kiến trúc sư thiết kế sẽ tư vấn cho quý gia chủ các kích thước phù hợp dựa trên điều kiện thực tế, hoặc quý vị có thể tìm kiếm trên mạng các thông tin rồi điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ hình bên là các thông số phổ biến và phù hợp trong điều kiện thông thường.
6. Nghiên cứu các thiết bị, đồ dùng mới trong khu bếp:
Hiện có nhiều thiết bị, đồ dùng mới ứng dụng cho khu bếp rất hay, ví dụ các tủ bếp dạng hệ có đầy đủ bếp, lò nướng, vi song, máy rửa chén bát,…Các tủ lạnh đời mới hiện tại thường rất lớn (side by side) nên đòi hỏi không gian rộng hơn . Hay đơn giản là các hệ kệ chứa đồ, tay co,… rất hiện đại và thẩm mỹ cũng liên tục ra đời. Quý vị nên tính toán để khả năng chứa đựng đồ vật được nhiều, bố trí khoa học và thông thoáng, tránh nguy cơ côn trùng hay động vật gây hại xâm nhập và lưu trú. Hiện nay hầu hết các khu bếp đều có máy lọc nước, cộng với nguy cơ nước tràn (dù ít) nên nếu có điều kiện thì cũng nên tính toán một phễu thu nước sàn khu bếp, để nếu bị tràn thì không chảy lênh láng hoặc khi cọ rửa bếp cũng tiện.
7. Tính toán các món ăn thường nấu (yếu tố văn hóa) và đặc thù riêng
Tùy mỗi gia đình có điều kiện văn hóa ẩm thực khác nhau nên cần tính toán cho phù hợp, ví dụ gia đình thường có tiệc ngày giỗ, tết (gia đình trưởng); gia đình ưa các món nướng, BBQ, gia đình ưa các món mà người khác đánh giá là nặng mùi,… để bố trí và tính toán cho thích hợp. Một yếu tố nữa là tính linh động, đáp ứng trong điều kiện khác ngày thường được thì càng tốt, ví dụ một số bộ phận có thể di chuyển, tháo dỡ được rồi lắp lại dễ dàng thì rất hữu ích.
8. Vài chú ý nhỏ khác
Bên cạnh yếu tố ánh sáng, thông gió tự nhiên thì chiếu sáng và thông gió nhân tạo cũng rất quan trọng, cần được lắp đặt đầy đủ.
Trang trí khu bếp, phòng ăn nên nhẹ nhàng, không dùng các yếu tố quá mang lại cảm giác quá nóng, quá mạnh mẽ như các màu sắc rực rõ quá. Các bức tranh tường, mảng xanh, đèn chiếu nhẹ nhàng cũng giúp căn bếp thêm ấm cúng.
***
Thực tế là khu bếp tốt sẽ giúp cho các bữa cơm gia đình luôn là “cơm lành, canh ngọt”, tăng cường hạnh phúc gia đình. Chúng tôi kiến nghị quý gia chủ cần quan tâm đặc biệt đầu tư cho khu bếp và đặc biệc nên tham vấn chị em phụ nữ, người chủ thực sự căn bếp trong quá trình lên kế hoạch đầu tư XD khu bếp.