Khu thờ cúng nên thế nào?

Người VN với đặc trưng văn hóa Á Đông nên vấn đề văn hóa, tâm linh rất được coi trọng. Gần như một căn nhà nào dù đơn sơ nhất cũng có không gian để thờ cúng. Bên cạnh thờ tổ tiên, thờ các nhân vật theo tôn giáo của mình thì người VN còn thờ nhiều vị thần khác, ví dụ thờ thổ công thổ địa, thờ thần tài thần lộc,…Với các ngôi nhà của người nghèo, ngôi nhà tạm, lán trại xây dựng thì một cái mặt phẳng cỡ 30*50cm treo trên vách trên đặt bình nhang thôi nhưng với tấm lòng thành kính thì cũng đã là khu thờ cúng tốt rồi.
Do không có kiến thức về việc thờ cúng theo các tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Cao Đài,…. nên chúng tôi chỉ xin phép bàn đến khu thờ cúng để thờ Tổ tiên và thờ Phật.
1. Một số nội dung xin phép trình bày về bàn thờ cúng Tổ tiên:
– Đó phải là nơi cao ráo, trang trọng, không gần với các khu được coi là không sạch sẽ, không gần các không gian có tính trần tục..
– Đạo Phật và thờ Tổ tiên đều dùng nhang, nến nên cần chú ý việc thông thoáng không khí, thoát khói nhanh vì xét về khoa học thì khói nhang ảnh hưởng xấu tới cho sức khỏe. Có thể tính tới lắp đặt các quạt hút gió để khói nhang tan nhanh. Vấn đề phòng chống cháy nổ cũng cần được quan tâm đặc biệt.
– Với các nhà có nhiều tầng thì có xu hướng các gia đình đặt bàn thờ trên các tầng cao sẽ thoáng đãng và sạch sẽ. Tuy nhiên một số gia đình lại chọn tầng 1 (tầng trệt) để thờ cúng vì nhiều lý do, ví dụ người già trong gia đình là người chăm lo phần cúng thì thường yếu chân tay nên khó lên tầng; một số gia đình trưởng thờ tự các cụ, nhiều gia đình nhánh đến chung lễ nên để tầng trên thì bất tiện,…Trong trường hợp đó thì các không gian thẳng phòng thờ lên không nên đặt phòng ngủ, càng không được phép các không gian khác như phòng tắm, vệ sinh,…
– Nên để phòng thờ nơi gần các hoạt động của con cháu hay tách biệt, chỉ mở khi cúng lễ hoặc quét dọn: Bên cho rằng cần bố trí riêng rẽ không gian thì lý luận rằng bởi vì thờ cúng là thờ người âm, nặng âm khí (gần với bóng tối, với sự tĩnh so với ánh sáng, với động là đặc trưng của dương) nên cần bố trí các khu âm khí đó riêng rẽ, tránh khuấy động, tránh làm tan biến,… Tuy nhiên bên cho rằng nên đặt khu thờ Tổ tiên gần các không gian sinh hoạt gia đình, ví dụ ở giữa nhà, gần phòng khách,… thì lý luận “trần sao âm vậy” ở thế giới bên kia các cụ cũng muốn nhìn thấy con cháu, sẵn sàng phù trợ khi cần,…Và để gần nên con cháu tiện nhang đèn nên khu thờ cúng trở nên gần gũi, ấm áp, con cháu luôn gần các cụ nên sẽ luôn tưởng nhớ công lao dưỡng dục sinh thành. Do đó đặt khu thờ cúng gần sinh hoạt đời thường con cháu là phù hợp. Nên lưu ý là theo lối kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống VN thì bàn thờ luôn để gian giữa nhà, bàn uống nước tiếp khách ngay bên dưới phía trước bàn thờ nên rất gần gũi với con cháu.
– Hướng đặt bàn thờ: Gần đây thì phong thủy cũng được ứng dụng để trình bày bàn thờ nữa nên vấn đề hướng cũng được xem trọng. Tuy nhiên hiện nay nhiều lý thuyết về phong thủy tồn tại song song nên đôi khi đưa ra các cách xác định hướng khác nhau, cách căn cứ cái gì để xem hướng cũng khác nhau,… nên chúng tôi không dám bàn sâu về nội dung này, chỉ xin nhấn mạnh hướng cũng quan trọng, có thể xem để thêm yên tâm nhưng mà cần đạt tính khoa học trong sắp xếp mặt bằng, thuận tiện cho các hoạt động cúng bái tưởng nhớ tổ tiên.
– Có thể đặt phòng thờ cùng không gian khác, ví dụ đọc sách, học tập: Với những người quan niệm ban đầu (loại thứ nhất) không gian thờ riêng rẽ thì không chấp nhận nhưng với quan điểm sau (loại thứ hai) thì có thể bố trí phòng thờ cùng với các sinh hoạt thanh sạch khác của con cháu như làm việc, đọc sách, nghiên cứu,…
– Trình bày, bài trí bàn thờ: Theo chúng tôi hiểu cách trình bày bài trí bàn thờ không có chuẩn mực bắt buộc, mà đa số theo lối suy nghĩ của con cháu là làm sao cho bàn thờ gia đình mình đẹp, trang trọng, thanh sạch. Đương nhiên yêu cầu cần thiết là một mặt phẳng để đặt bàn thờ và trên đó bắt buộc có bình nhang, còn thì tùy không gian, điều kiện có thể bày biện các đồ vật thờ cúng trang trí khác. Các đồ vật phổ biến trên bàn thờ theo văn hóa Việt là: Ngai thờ, bình nhang, di ảnh người quá cố, ly chén để đựng nước, rượu khi cúng, mâm bày lễ vật, cây đèn, cây đỡ nến (đèn cầy), bình cắm hoa tươi,… Các vật dụng được bố trí theo nguyên tắc cân đối, các vật có cặp đôi thì bố trí đối xứng nhau.
Xin phép lạm bàn: Thờ cúng tổ tiền là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chính là hình thức tưởng nhớ công lao bề trên và tự hứa sẽ phấn đấu nỗ lực sống tốt, sống đẹp của con cháu. Tổ tiên ta nếu tồn tại thực ở cõi trên, nơi chỉ là hồn vía mà không hề còn vương vấn vật chất tầm thường, thì chắc chắn sẽ luôn theo dõi, phù trợ cho con cháu. Sẽ không bao giờ các cụ quở trách con cháu về các thiếu sót, lề lối trong cúng lễ. Ví dụ chả bao giờ các cụ trách con cháu sao làm bàn thờ kích thước này mà không thêm vài cm cho vào cung đẹp, sao sơn đồ thờ này màu xanh mà không phải màu đỏ, sao chén nước cỡ này mà không cỡ kia… Hãy thờ cúng tổ tiên bằng cái tâm, đức của mình. Song song đó hãy làm việc tốt, việc thiện, hãy nỗ lực phấn đấu,… để các thế hệ sau nhìn và học tập, phấn đấu theo mới là cái gốc bền chặt của gia đình phồn thịnh, đó cũng chính là đã được tổ tiên phù trợ vậy.

2. Một số nội dung trình bày về bàn thờ cúng Phật:
Đạo Phật vào VN đã lâu và ăn sâu vào văn hóa tâm linh người Việt, số lượng người không phải đạo phật nhưng hướng phật là rất lớn. Thờ Phật tại gia là rất phổ biến với người VN, một số vẫn thờ cùng với bàn thờ tổ tiên, một số có điều kiện thì lập khu thờ riêng.
Bởi lòng kính trọng và tin tưởng vào Đức Phật rất sâu sắc nên nguyên tắc đặt bàn thờ Phật cũng giống như bàn thờ tổ tiên, đó là nơi trang trọng nhất trong không gian gia đình.
Bàn thờ Phật thì nhìn chung đơn giản hơn thờ tổ tiên, chủ yếu gồm bình nhang, tượng Phật, tranh Phật và một số vật dụng khác như đĩa đựng vật cúng, đèn nến,…và thêm chuông, mõ (thường để bên dưới để người cúng sử dụng).
Vài nội dung xin bàn về đạo Phật & bàn thờ Phật
– Đạo Phật là một tôn giáo rất khoa học, không mang màu sắc huyền bí hay ma mị. Đức Phật nguyên bản là một thái tử Ấn Độ từ hơn 2500 năm trước, ngài đã có vợ con (bản thân rất sung sướng) nhưng ngài nhận thấy rất nhiều người trên thế gian luôn gặp muôn dạng đau khổ để rồi ngài từ bỏ sung sướng hiện tại để đi tìm nguyên nhân, cách thức giải thoát nỗi đau cho nhân loại. Ngài đã tu tập và tìm ra căn nguyên mọi nỗi khổ của con người là do Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi mà ra và để hết khổ thì phải giải quyết các yếu tố đó.
– Đạo Phật bản chất là chỉ ra con đường (đạo = con đường) tu tập để đi đến sự giải thoát các khổ đau, nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, trí tuệ.
– Đạo Phật là môn khoa học, có tính tổng kết các quy luật, hoàn toàn có thể ứng dụng vào cuộc sống, vào kinh doanh, vào học tập,… hiện đại… không đưa đến sự tin tưởng mù quáng. Đạo Phật đưa con người tới sự hướng thiện, nhân bản, khuyến khích sự tìm tỏi, tư duy trên cơ sở trí tuệ. Bản thân ông Phật không có gì để ban lộc, ban phước cho ai, mọi sự cầu xin lộc tài từ cúng Phật là vô nghĩa và thậm chí còn xúc phạm Đạo Phật.
– Do được hình thành từ ngày chưa có chữ viết nên giáo lý, lời răn dạy của Đức Phật được lưu truyền qua nhiều con đường, cách thức khác nhau nên có sự sai khác nhất định so với nguyên bản gốc. Bản chất Kinh Phật là cách ghi lại lời nói, định hướng, giảng giải của Đức Phật theo cách thức ghi lại trên văn bản nên cũng có thể có sự sai khác, biến báo nhất định. Tuy nhiên mọi người đều thừa nhận quy về gốc thì Đạo Phật chính là sự giác ngộ để giải thoát mọi đau khổ. Bản thân Đức Phật cũng là con người nhưng nhờ đã giác ngộ, đã nhìn thấu thực tại về cách chúng ta tồn tại, đã khắc phục hoàn toàn những khiếm khuyết và chứng ngộ được tiềm năng của mình nên ngài đã dùng những cách hướng thiện để chỉ cho chúng sinh con đường để thoát khỏi khổ đau, nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, trí tuệ.
– Đạo Phật không có các khái niệm về ngày tốt, giờ tốt, hợp hay xung khắc, hướng tốt hay xấu, tuổi hạn tuổi xung, đốt vàng cúng mã, cúng ma gọi hồn…Có các điều đó hiện nay là vì Đạo Phật phía Bắc du nhập VN qua ngả Trung Quốc, nên nó đã hòa trộn các lý thuyết như trên của Trung Quốc, chủ yếu là đạo Lão. Đạo Phật ở miền Nam thuộc hệ phái Nam Tông truyền qua ngả Thái Lan, Cambodia nên không mang các yếu tố đó.
– Đạo Phật đề cao nguyên lý Nhân – Quả (tức nguyên nhân và kết quả). Đại ý rằng hãy cứ sống tốt, sống thiện thì mọi kết quả tốt sẽ đến.  Người tin Phật thì cần giữ ba nghiệp thân – miệng – ý được trong sạch, không làm việc ác, năng làm điều thiện, cụ thể: Không khởi sinh những ý nghĩ, lời nói hay hành động có thể làm tổn hại đến người khác trong hiện tại và tương lai; Suy nghĩ hợp với lẽ phải, không tham lam, ích kỷ, sân giận, si mê, ganh ghét, đố kỵ, tự mãn; Làm những việc chân chính cho mình và cho người, cốt để tất thảy đều được an vui, hạnh phúc trong hiện tại.
****
Từ đó để thấy rằng việc bố trí bàn thờ Phật không quá quan trọng, cầu kỳ mà quan trọng nhất là hãy tu tập, hãy làm việc tốt, hãy làm việc thiện, tránh điều ác là cách thờ Phật, thực hành Đạo Phật tốt nhất.

3. Thờ cúng khác như thờ thần tài thần lộc, thần linh thổ địa, ông Táo
Chúng tôi thấy rằng ở mỗi vùng miền có sự thờ cúng các vị kể trên khác nhau, tuy nhiên giống nhau là sự trân trọng và tin tưởng vào các vị được thờ mong nhận được tài lộc, bình an. Do không có kiến thức sâu nên chúng tôi không dám lạm bàn, đưa ra ý kiến nhưng chỉ xin các quý gia chủ chú ý về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy khi lập bàn thờ cúng; khi đốt vàng mã,… bởi đã có quá nhiều vụ cháy đáng tiếc dẫn đến thiệt hại lớn về cả người và của từ việc chủ quan trong thờ cúng, đốt vàng mã.



Bài viết liên quan