Nhà ở đáp ứng nhu cầu ở của con người, nơi con người sống, sinh hoạt gia đình, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Lý tưởng nhất là con người được ở ngôi nhà đúng ý như mình mong muốn.
Câu hỏi ngôi nhà của tôi sau khi XD xong trông sẽ thế nào thường được chủ nhà đặt ra với người thiết kế. Trả lời câu hỏi “trông như thế nào” thì chủ yếu nằm ở phong cách kiến trúc ngôi nhà. Phần nội thất bên trong cũng là phần quan trong, sẽ được trình bày ở bài viết kế tiếp.
Phong cách kiến trúc ngôi nhà thì khá đa dạng, người thiết kế không thể tự sáng tác ra phong cách ngôi nhà mà cần lắng nghe ý kiến, nắm bắt ý tưởng của chủ nhà để hiểu phong cách ưa thích là gì rồi mới bắt tay vào phác thảo.
Xin trình bày một số phong cách kiến trúc nhà ở tại nước ta như sau. Xin nói luôn là việc định nghĩa một phong cách bằng lời là khá khó khăn, ranh giới giữa một vài phong cách đôi khi là khá mong manh khi có nhiều sự trộn lẫn, giao thoa nhau giữa các phong cách.
1. Phong cách hiện đại
Phong cách hiện nhìn chung mang sự đơn giản trong bố cục, hình khối kiến trúc, tổ chức không gian. Mặt bằng được tổ chức triển khai khá tự do, không lấy các yếu tố về đối xứng làm chuẩn mực. Phong cách hiện đại không sử dụng các chi tiết trang trí cầu kì của trường phái cổ điển, tân cổ điển mà có hướng ứng dụng những vật liệu hiện đại như kính, thép, bê tông…
Vài đặc điểm:
– Có tính hình khối, khu vực rõ ràng
– Chú trọng công năng sử dụng, không (hạn chế sử dụng các chi tiết chỉ để mà trang trí)
– Màu sắc khá thoáng, không bị gò bó, thường có 1 gam màu chủ đạo và các màu sắc khác được phối sao cho đạt sự hòa hợp.
– Quan tâm nhiều đến thiên nhiên tự nhiên như ánh sáng, thông gió nên các mảng kính lớn mở rộng thường là các lựa chọn yêu thích.
– Cố gắng kết nối tốt với bên ngoài, với thiên nhiên xung quanh.
– Có thể từ góc độ nào đó, chấp nhận sự phá cách
Một số hình ảnh kiến trúc hiện đại mang tính minh họa:
Ngoài Phong cách hiện đại thì còn tồn tại khái niệm phong cách hậu hiện đại. Phong cách này sử dụng thêm nhiều đường cong so với phong cách hiện đại sử dụng nhiều đường thẳng, dứt khoát. Phong cách hậu hiện đại cũng quan tâm & đề cao sự gắn kết của công trình với không gian lớn xung quanh..
2. Phong cách cổ điển
Phong cách cổ điển xuất phát từ Châu Âu cổ đại, trải qua nhiều thời kì từ La Mã, Phục Hưng,…. Đặc trưng của phong cách cổ điển là sự tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc sắp xếp cân đối hoàn hảo, họa tiết cầu kỳ và màu sắc thì rất hạn chế.
Lối kiến trúc này mang đậm tính truyền thống, hoài cổ, mong đạt sự hoàn hảo. Kiến trúc cổ điển cần tuân thủ nghiêm ngặt phong cách thuần khiết, không chứa đựng những đường nét hiện đại hay phá cách, đó phải là các thiết kế chuẩn mực theo nguyên tắc có sẵn. Với tính nghiêm cẩn đó, các công trình phong cách cổ điển có sự hoàn thiện đạt đến độ chuẩn mực về thiết kế và độ hoàn mỹ về nghệ thuật.
Vài đặc điểm
– Đề cao sự đối xứng, cân bằng trong kiến trúc
– Chi tiết trang trí mang tính tinh xảo, cầu kì, uốn lượn
– Sử dụng nhiều đường gờ bao, border xung quanh
– Tại các vị trí góc vuông giao nhau thường bổ sung chi tiết hoa văn kiến trúc.
– Màu sắc hạn chế, không / rất ít sự phối màu trong kiến trúc bề ngoài
Phong cách cổ điển minh họa
3. Phong cách tân cổ điển
Nếu như phong cách cổ điển trình bày trên là khá rõ ràng thì phong cách tân cổ điển lại vẫn còn tồn tại các tranh luận dù nó đã đạt được sự đồng thuận tương đối giữa các nhà kiến trúc và có chỗ đứng riêng trong kiến trúc vài trăm năm nay. Tân cổ điển kế thừa những tinh hoa rực rỡ nhất của kiến trúc cổ điển và tiếp thu những cái mới, cách tân từ xã hội hiện đại . Tân cổ điển được đặc trưng bởi quy mô, sự đơn giản từ hình khối, nhắc lại chi tiết thức cột, sử dụng các cột này để gây ấn tượng. Kiến trúc tân cổ điển nhấn mạnh vào bức tường chứ không phải là về phối hợp màu sáng, tối và duy trì bản sắc riêng cho mỗi bộ phận của nó.
Nói thực là mô tả phong cách bằng lời là khá khó khăn.
Xin nêu một số đặc điểm phong cách tân cổ điển như sau:
– Đề cao sự đối xứng, cân đối , nhấn mạnh vào các chi tiết trang trí cầu kỳ trên cửa ra vào, phào và cửa sổ.
– Thể hiện nét đẹp cổ kính nhẹ nhàng ghi ấn tượng bằng những mặt phẳng tường, các hình khối được khắc tạc tạo cảm giác rất kiên cố và vững chãi.
– Hình khối kiến trúc cân đối và được biến tấu đa dạng hơn về không gian để phù hợp với từng chức năng sử dụng.
– Ứng dụng các tác phẩm điêu khắc phù điêu đắp nổi tạo điểm nhấn được đặt trên bề mặt phẳng.
– Tập trung nhiều vào sự đơn giản sang trọng, thường tối giản mặt trang trí,, mọi chi tiết đều được sắp xếp một cách trật tự tạo cảm giác rộng rãi và thông thoáng.
– Màu sắc được ứng dụng nhiều ví dụ như màu trắng, màu xám nhẹ, màu xanh…không sử dụng các màu mè lòe loẹt giúp cho những họa tiết nhẹ của phong cách tân cổ điển được “khoe” rõ nét hơn.
Hiện phong cách tân cổ điển này đang “làm mưa làm gió” trên thị trường XD nhà ở, thường được gắn với ý nghĩa sáng trọng, đẳng cấp…
Minh họa ngôi nhà phong cách Tân cổ điển:
Mặt chính ngôi nhà Tân cổ điển
Chi tiến mặt tiền
4. Phong cách đồng quê (tạm dịch từ từ countryside):
Những ngôi nhà gỗ ở các miền quê yên bình vùng Châu Âu hay nước Mỹ là cảm hứng để tạo ra một phong cách kiến trúc đồng quê hiện khá phổ biến. Đó là sự pha trộn kiến trúc từ khắp mọi miền trên thế giới kêt hợp với những vật liệu hiện đại ngày nay.
Về kiến trúc, đó là các ngôi nhà thấp tầng (1-2-3) tầng, mái ngói dốc, thường có vài hướng triển khai mái trong đó có các mái lớn hoặc vài mái nhỏ hướng ra phía mặt trước ngôi nhà. Một số ngôi nhà thường chỉ vào bằng một lối cửa duy nhất từ phía trước, có thể bố trí hàng hiên dọc nhà để đi lại hoặc kê ghế uống trà, bao quanh là lan can phong cách kiểu thanh gỗ. Ngôi nhà thường có hướng để vật liệu mộc, không tô trát, đôi khi có xây các ống khói vươn cao hơn mái nhà.
Phong cách này tuy không đề cao như một nguyên tắc song cũng hay áp dụng kiểu đối xứng kiến trúc bề ngoài khi nhìn từ mặt trước.
Một số hình ảnh nhà phong cách đồng quê:
5. Phong cách truyền thống VN
Dù không muốn nhưng cũng thừa nhận rằng VN ta không có một phong cách kiến trúc nổi bật, mang nét đặc trưng riêng có. Có lẽ xuất phát từ nguyên nhân xã hội VN là xã hội nông nghiệp, lại luôn bị thiên tai bão lụt đe dọa mà khi đó các vật liệu thô sơ thu hoạch từ thiên nhiên xung quanh chủ yếu dùng gỗ, tre, lá dừa, rơm rạ, bùn đất,… có tuổi thọ không cao để xây nhà nên thật khó để nghĩ đến việc tạo dựng ngôi nhà mang phong cách riêng phổ quát. Tuy nhiên những người học qua các trường Đại học khối ngành XD thì cũng đều được học và nghiên cứu một giáo trình nghiên cứu về Kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam. (Trừ các công trình như đình chùa, đền miếu có bền vững hơn, kiểu nhà mái thấp hạn chế tác động của gió bão, nhưng nó bị ảnh hưởng nhiều của kiến trúc phương Bắc)
(Cũng trong điều kiện ấy, nhưng có lẽ khác là thiên nhiên khí hậu ôn hòa hơn nên các ngôi nhà có thể bền chắc nhiều năm hơn nên các nước Đông Nam Á xung quanh như Indonesia, Thái Lan, Lào,…cũng có phong cách kiến trúc riêng với các mái cong đặc trưng của họ).
Gần đây có nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã xây dựng nhiều ngôi nhà phong cách về lại truyền thống. Mục đích sử dụng có thể là ở sinh hoạt hàng ngày nhưng cũng có thể là các nhà mang nặng công năng thờ cúng. Chúng tôi xin giới thiệu một số hình ảnh
***
Do không phải là đơn vị chuyên sâu về thiết kế kiến trúc, chúng tôi chỉ là đơn vị giám sát chuyên sâu về kỹ thuật công nghệ XD. Do đặc thù công việc, trải qua nhiều kinh nghiệm chúng tôi được tiếp xúc và có tìm hiểu về các phong cách kiến trúc nên kiến thức về mỹ học, về triết lý của các phong cách có phần han chế. Quý vị có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về một phong cách nào đó có lẽ nên google sâu để nắm bắt thêm. Hoặc quý vị có thể liên hệ chúng tôi để chúng tôi giới thiệu đến các đơn vị thiết kế uy tín, mang sản phẩm thiết kế tốt đến cho ngôi nhà của quý vị.
Xin trân trọng cảm ơn.