Quyết toán công trình:
Đây là một thuật ngữ tài chính, được hiểu là sau khi hoàn thành công trình, nhà thầu nộp bộ hồ sơ tính toán giá trị công trình đã hoàn thành theo thực tế, trừ đi phần đã được nhận tạm ứng, các đợt thanh toán, trừ đi tiền bảo hành giữ lại rồi xin chủ đầu tư thanh toán giá trị quyết toán.
Công thức:
Giá trị quyết toán = Tổng giá trị công trình – các đợt đã tạm ứng, thanh toán – Phần giữ lại bảo hành.
Nhìn chung dù hợp đồng theo hình thức giao khoán theo m2 hay giao khoán theo đơn giá từng công việc thì việc tính giá trị quyết toán cũng là quan trọng, cần được tính toán chi tiết, tỉ mỉ để có con số chính xác.
Ở giai đoạn này, nếu hợp đồng không được làm rõ sẽ có một số phát sinh gây tranh cãi, như tại đây đã mô tả. Mời quý vị đọc để cố gắng tránh gặp phải. Cách tránh tốt nhất là ký kết một bản hợp đồng chi tiết, tỷ mỷ, khoa học ngay từ đầu.
Giá trị bảo hành cũng là nội dung mà nhà thầu hay “xin xỏ” kể cả đã có thỏa thuận rõ ràng bàn đầu. Nhà thầu thường có xu hướng xin thanh toán nhiều, giữ lại bảo hành ít. Điều này thì tùy ý chủ nhà quyết nhưng theo chúng tôi thì nên tuân thủ đúng các nội dung của hợp đồng đã quy định.
Bảo hành:
Bảo hành tưởng là nội dung dễ quy định nhưng thực ra cũng rất phức tạp, phải làm rõ trách nhiệm nhà thầu thế nào thì cần bảo hành, tình huống nào dù công trình có hỏng hóc trục trặc thì cũng không phải lỗi của nhà thầu? Nếu cách ghi chung chung rất phổ biến ví dụ như “trong phạm vi 1 năm kể từ ngày bàn giao nhà, nếu ngôi nhà bị trục trặc kỹ thuật thì nhà thầu có trách nhiệm nhanh chóng sửa chữa” thì sẽ rất khó nếu nhà thầu không nhiệt tình sửa chữa, tìm cách đổ lỗi cho các nguyên nhân khác dẫn đến trục trặc đó.
Cho nên hợp đồng phải có các nội dung mạnh, rõ ràng để nhà thầu không thể né tránh trách nhiệm, nếu né tránh thì sẽ có cách xử lý (ví dụ mời bên thứ ba khác đến sửa chữa, chi phí trả cho bên thứ ba sẽ khấu trừ vào tiền bảo hành giữ lại).
Tiền bảo hành chỉ hoàn trả lại cho nhà thầu sau khi hết hạn bảo hành, khấu trừ các chi phí thuê bên thứ ba nếu xảy ra trường hợp như trên. Việc hoàn trả bảo hành cũng cần ghi nhận bằng hồ sơ, hoặc chuyển khoản ngân hàng để lưu vết.
Hình thức bảo hành: Dù là hợp đồng đã có nội dung bảo hành nhưng quý vị chủ nhà cũng vẫn nên đề nghị Nhà thầu nộp bảo hành dạng văn bản độc lập với hợp đồng, dạng Thư bảo hành với các nội dung bảo hành copy từ bản chính hợp đồng ra, có ký tên đóng dấu mộc như khi ký hợp đồng. Làm vậy tránh trường hợp một số nhà thầu sẽ cãi cùn khi có sự cố, kiểu như: Ơ kìa, hợp đồng đã thanh lý rồi thì các nội dung trong đó đã hết hiệu lực, kể cả nội dung về bảo hành…
***
Nhìn chung Quyết toán và bảo hành cũng là các nội dung có tính chuyên môn hẹp, hàm chứa sự phức tạp, dễ gây tranh cãi nếu không được làm rõ ngay từ đầu trong hợp đồng hay các thỏa thuận khác. Quý gia chủ nên có sự hỗ trợ của người am hiểu trong quá trình giao kết thỏa thuận với nhà thầu để tránh các sự phiền phức về sau.