Thế nào là khu vệ sinh tốt?

Khu vệ sinh xưa gọi là khu “công trình phụ” nay đã được nhìn nhận là khu quan trọng trong các căn nhà hiện đại. Các khu vệ sinh bây giờ người ta còn để sách, gắn máy lạnh để khi con người sử dụng nhà vệ sinh thì được thêm thời gian đọc sách, giải trí thoải mái. Khái niệm khu vệ sinh trình bày ở đây được hiểu là khu tắm, rửa và bồn cầu đi vệ sinh.
Chúng tôi xin đưa ra các tiêu chí để đánh giá một khu vệ sinh là tốt:
1. Thông gió và chiếu sáng tự nhiên cường độ mạnh
Thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho khu vệ sinh tối đa là tốt nhất. Khu vệ sinh luôn gắn liền với cấp nước và thoát nước nên là không gian ẩm. Có ánh sáng tự nhiên thì sẽ có tác dụng diệt khuẩn rất tốt. Thông gió thì giúp cho các mùi hôi phát sinh sẽ thoát đi nhanh hơn, vệ sinh nhanh khô không phát sinh mùi hôi, gương ít bị mờ và mốc. Tuy nhiên việc có ánh sáng và thông gió tự nhiên không phải dễ thỏa mãn nên các giải pháp thông gió, chiếu sáng nhân tạo tốt là việc rất cần thiết. Các chung cư sẽ rất khó đạt được yếu tố mọi phòng vệ sinh đều có thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Các căn nhà diện tích nhỏ, làm khu vệ sinh dưới gầm cầu thang cũng là đặc điểm bất đắc dĩ vì xử lý thông gió chiếu sáng khá khó khăn. Khi thông gió và chiếu sáng khó thì đồng nghĩa khu vệ sinh trở nên tối tăm và ẩm thấp là môi trường thích hợp cho các virus / vi khuẩn phát triển.
2. Mặt bằng khu vệ sinh
Khu vệ sinh tốt là khu vệ sinh rộng & thoáng đãng là mong muốn của mọi gia đình. Nên được bố trí thành khu ướt và khu khô riêng. Khu ướt là khu tắm được lắp đặt vòi nước, vòi sen, bình nóng lạnh, đèn sưởi,… nên được ngăn cách với khu khô bằng vách kính. Khu khô là khu để bồn cầu, vòi và chậu rửa, gương soi để phục vụ các hoạt động tần suất nhiều lần hơn tắm. Khi tắm nước không làm ướt sàn khu khô nên rất dễ làm sạch sàn, rất thoải mái.
Khu vệ sinh cần được bố trí mặt bằng khoa học, thuận tiện trong quá trình sử dụng. Thường thì bồn cầu và chậu rửa bố trí gần nhau, khu tắm riêng rẽ như trình bày trên nhưng cũng có thể khác đi, linh động tùy điều kiện mặt bằng. Kích thước các đồ vật, khoảng cách cần cân đối với sinh trắc học và hình thể người VN.
Trong nhà vệ sinh nên có bàn lavabo rộng, có nguồn điện 220v cho cắm sấy tóc và máy cạo râu (loại có nắp đậy cho an toàn điện); gương soi nên có đèn led ánh sáng mờ giúp cho phụ nữ soi và trang điểm. Hiện nhiều thiết bị khác cũng cần điện như giá treo khăn có gắn thành phần sấy, bồn cầu có sấy, có bidet xịt rửa, có đèn cực tím diệt khuẩn trong lòng bồn cầu nên cũng cần chú ý nguồn điện.
3. Hoạt động ổn định, lâu bền:
Khu vệ sinh nên được đầu tư sử dụng ống nước, van vòi, thiết bị bệ sinh tốt bởi nó được lắp đặt trong khu độ ẩm cao, sử dụng nhiều lần trong ngày bởi nhiều người và mỗi lần sữa chữa khu vệ sinh là rất phức tạp, tốn kém. Khi quý vị đầu tư ống, thiết bị vệ sinh, sen vòi,… loại tốt để đỡ công sửa chữa, sử dụng bền lâu cũng chính là tiết kiệm hơn.

4. An toàn trong khu vệ sinh
Khu vệ sinh có hai yếu tố liên quan đến an toàn:
– An toàn điện: Các thiết bị điện gồm bình đun nước nóng điện, đèn sưởi ấm (với các địa phương có mùa đông) và các thiết bị điện khác như nắp bồn cầu điện để phun nước rửa, sưởi ấm mặt bồn cầu; khu vực điện cạo râu, sấy tóc. Phần điện phải có tiết diện dây dẫn đủ lớn, không để nước và nguồn ẩm xâm nhập gây chập cháy nguy hiểm cho người dùng.
– An toàn trượt chân té ngã: Đây là nguy cơ lớn nhất là các gia đình có người cao tuổi, người khó vận động. Muốn tránh hiện tượng này thì cần phân khu khô / ướt như trình bày trên, các mẫu gạch sàn gần có độ nhám, chống trơn trượt ngay cả khi bị ướt. Sàn và tường nên dùng các loại gạch tốt, dễ lau chùi làm vệ sinh để tránh các chất dơ bẩn bám dính có nguy cơ sinh ra các vi sinh vật có hại cho sức khỏe.
– An toàn cho người già: Nên bố trí tay nắm gắn tường gần bồn cầu và chuông bấm gọi ra bên ngoài nếu nhà có người già (hiện có loại chuông kết nối nút bấm và chuông qua sóng radio không cần dây rất tiện lợi). Tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện gần đây quy định tất cả các cửa khu vệ sinh phòng bệnh đều phải mở cửa ra ngoài, không mở vào trong phòng vệ sinh.
– An toàn lây truyền bệnh (với các khu vệ sinh chung cư): Từ đợt dịch SARS năm 2003 tại Hong Kong và đợt dịch Covid-19 toàn cầu, người ta đã phát hiện ra các căn hộ cùng trục đứng có nguy cơ lây nhiễm bệnh của nhau. Đó có thể là lây do đường nước thải, khi một căn hộ có người bệnh thải ra nước thải, nước thải chứa virus và khi vào trong ống thì virus bay lên theo hơi nước, chui ra ở căn hộ khác. Với hệ thống quạt gió thì nguy cơ còn cao hơn. Không khí từ căn hộ này được hút vào trong hộp kỹ thuật, có thể chui ngược ra ở căn hộ khác làm lây lan virus. Cho nên việc không để mùi hôi thoát ra từ phễu thu sàn, từ quạt hút gió trong phòng vệ sinh là rất cần thiết. Xin hãy liên hệ chúng tôi nếu quý vị cần biện pháp triệt để trong phòng chống các mùi hôi phát sinh.

5. Vài chú ý nhỏ khác
Quạt hút mùi và chiếu sáng nhân tạo cần được lắp đặt đầy đủ, công suất đủ cho sử dụng thoải mái.
Ưu tiên đầu tư các thiết bị vệ sinh, sen tắm, vòi rửa chất lượng tốt vì mỗi lần sửa chữa là rất phức tạp, tốn kém.
Nguyên nhân gây mùi hôi tại các nhà vệ sinh:

– Phễu thu nước sàn bị khô: Phễu thu nước sàn cấu tạo phải có một lớp nước có độ cao h đóng vai trò là màng ngăn mùi hôi từ ống xông ngược lên (y như ta thấy chút nước luôn có trong bồn cầu vậy). Nếu chỗ nước này bị bay hơi khô thì mất vai trò ngăn mùi xông ngược, cần đổ nước bù trở lại vào phễu thu.
– Mùi hôi xông ngược vào từ hộp kỹ thuật: Hiện tượng này thường xảy ra nhiều với các khu vệ sinh tại các tòa nhà chung cư (và cả khu bếp nếu cũng có quạt hút thổi vào hộp kỹ thuật). Theo thiết kế quạt thì đều có cửa sập khi không bật quạt thì cửa sập lại nhưng thực ra không thể kín khít, thêm nữa khoảng cách giữa quạt và tường xây cũng còn hở nên khi tầng khác bật quạt thổi vào thì không khí có thể xông ngược khu vệ sinh không bật quạt. Trong đợt dịch covid-19 thì đây cũng là một con đường bị nghi ngờ là gây lây nhiễm lan truyền.
– Hở chân bồn cầu: Đây là nguyên nhân gây ra mùi hôi gay gắt, rất nặng mùi bởi khí rò rỉ là khí từ ống thông với bể tự hoại chứa phân tự hoại. Tùy cấu tạo bồn cầu có thể cách lắp đặt giữa bồn cầu và ống thoát sàn cần có gioăng cao su kín khít, hoặc có loại bồn cầu không yêu cầu gắn chặt với ống thoát bằng gioăng mà để tránh mùi thì cần bịt hết xung quanh chân bồn cầu bằng xi măng hoặc silicon (bao gồm cả lỗ để vặn vít cố định bồn cầu).
– Xộc ngược qua bồn cầu bằng đường thoát chính của bồn cầu (hiếm gặp): Một số bể tự phân hủy phân bị lắp đặt sai, hoặc đường ống thoát bị nghẽn, hoặc độ dốc ít nên tình trạng thông khí bể phốt / hầm cầu kém. Nên khi có một tầng nào khác giật nước thì nước xuống bể, hoặc ống chiếm chỗ nên không khí trong bể bị đẩy đi sẽ xộc ngược qua bồn cầu vào phòng. Khi xảy ra hiện tượng này sẽ nghe tiếng “ọc ọc” và thấy bọt khí xộc lên từ nước trong bồn cầu.
Xin xem thêm các hiện tượng với các khu vệ sinh bị mùi hôi tại bài viết này: www.tuvanxaynha.com.vn

Bài viết liên quan